• Vuon canh VN


    August 19, 2013
  • Vuon canh VN


    August 19, 2013
  • Vuon canh VN


    August 19, 2013
  • Vuon canh VN


    August 19, 2013
  • Vuon canh VN


    August 19, 2013

Bài viết gần đây

Kiểu thức bonsai


1) Đại thụ hình: là cây cảnh biểu lộ vẻ hùng vĩ của một đại thụ ngoài thiên nhiên. Cây có gốc to, thân thô kệch sần sùi u nần, rễ lộ trên mặt đất, cành lá xanh tươi.
2) Mộc miên hình: là cây cảnh có cái khí thế của một cự thụ kình thiên. Cây có thân chủ thẳng đứng vót nhỏ, vỏ cây nứt nẻ sần sùi, thân cây có nhiều dấu vết sẹo u nần, cành nhánh đối nhau như chữ nôm hoặc hình thể xe quạt gió, cành rũ, cành nâng cao, tầng bậc phân minh.
3) Song cán thức: là cây cảnh thể hiện hai ông cháu. Cây một gốc có hai thân gồm một thân lớn cao và một thân nhỏ thấp, hai thân có thể thẳng đứng thế trực hoặc một thẳng một nghiêng (hai thân không cách xa nhau quá).
4) Nhất đầu đa cán thức: là cây cảnh có nhiều thân thường là số lẻ tiện lợi cho việc bố cục tạo hình thể. Cây có một gốc mang nhiều thân lớn nhỏ và cao thấp không đồng đều, thẳng nghiêng xen kẽ nhau, tán tụ ngã ngớn. Gốc thân và cành lá được uốn sửa thăng bằng và cân xứng, nhưng cành nhánh không nên cắt sửa cho đối xứng.
5) Phiêu tà thức: cây cảnh có thế xuy phong hoặc bạt phong là toàn bộ gốc, rễ thân, cành đều phải nhất trí theo thế cây. Cây có gốc rễ hơi lộ một bên và thân cây cũng nghiêng về một bên, ngọn cây mọc thẳng lên trời nhưng các cành nhánh phải hơi cong và hướng về phía gốc để giữ thế thăng bằng của cây ngoài thiên nhiên.
6) Ngọa bồn thức (Ngọa cán thức): là cây cảnh thể hiện giống như một người đang ngồi duỗi hai chân và chân lại thẳng lên mà vẫn giữ thế cân bằng. Cây có thân gần như nằm sát mặt chậu có tư thế giống như cây bị ngã, cành nhánh ngọn và lá cây đều được uốn cong và hướng lên trời theo phản ứng tự nhiên.
 7) Bàn khúc thức: là cây cảnh có các cành nhánh được bố trí, cắt xén có vẻ tự nhiên. Cây có thân uốn khúc như giao long chuyển mình, các cành nhánh theo chiều vặn của thân.
8) Huyền nhai thức: là cây cảnh thòng ra ngoài thành chậu. Cây có thân cong queo cành lá ló ra và thòng xuống thành chậu, cành nhánh được phân bố đều khắp và thích đáng trên các bộ vị từ chỗ nghiêng thòng đến ngọn của cây. Nếu cây thòng ra ngoài thành chậu có ngọn thấp hơn đáy chậu thì gọi là thế toàn huyền nhai, nếu cây có ngọn mới thòng ra ngoài thành chậu thì gọi là thế bán huyền nhai.
9) Tùng lâm thức: là chậu cây cảnh giống như rừng thông. Cây được trồng năm hoặc bảy cây cùng loài trong cùng một chậu như đám rừng, cây có dáng hình cao thấp to nhỏ không bằng nhau, tự nhiên không đối xứng.
10) Phủ thạch thức: là cây cảnh có gốc rễ bám và chui vào kẽ đá hút dinh dưỡng nuôi sống cây. Lấy một tảng đá núi làm chủ rồi mới trồng cây vào kẽ nứt hoặc lỗ hổng của đá, có nhánh mọc xuyên qua các hang đá, có nhánh như cúi xuống nhìn hòn đá, có nhánh từ hòn đá đâm thẳng lên trời hoặc ngang hông hòn đá.
11) Thủy bồn thức: là chậu cây cảnh được sắp xếp để tạo thành một phong cảnh có núi, có sông, có cây cỏ giống như một bức tranh, một cảnh tượng. Đặt một ít đá vào một cái chậu đáy cạn và có ít nước, chọn một số cây có dáng thế để trồng trên các tảng đá.
12) Phủ chi thức: là cây cảnh có thân thẳng, các cành nhánh đa số đều gập xuống và buông lả.
13) Quá kiểu thức: là cây cảnh có dáng cong nghiêng, thân rễ như chiếc cầu nối qua hai bờ nước.

Thế cây có ba thân cùng một gốc


1) Kiểu Phước Lộc Thọ: là cây có ba thân có dáng dấp giống nhau.
2) Kiểu nhất mẫu, nhị tử (cặp từ mẫu): là cây có thân lớn ở giữa, thân nhỏ hơn ở bên phải thân lớn, thân nhỏ nhất ở bên trái thân lớn.
3) Kiểu sơn tự: là cây hình chữ sơn có thân ở giữa cao lớn, hai thân hai bên bằng nhau nhỏ và thấp hơn.

Thế cây có hai thân cùng một gốc


1) Thế tam thiên đồ đệ và thất thập nhị hiền: là cây có thân lớn được uốn thành bảy tàn và ngọn thành hai nhánh nhỏ, thân nhỏ thấp hơn được uốn thành ba tàn.
2) Thất thập nhị hiền: là cây có thân lớn thấp được uốn thành hai tàn, thân nhỏ cao hơn được uốn thành bảy tàn.
3) Nhị thập tứ hiếu: là cây có thân lớn được uốn thành bốn tàn, thân nhỏ thấp hơn được uốn thành hai tàn.
4) Phụ tử (Tam cang ngũ thường): là cây có thân lớn được uốn thành năm tàn, thân nhỏ thấp hơn được uốn thành ba tàn.
5) Mẫu tử (Tam tòng tứ đức): là cây có thân lớn được uốn thành bốn tàn, thân nhỏ thấp hơn được uốn thành ba tàn.
6) Tiều phu quải tử: là cây được uốn sửa giống thế phụ tử nhưng thân lớn có độ nghiêng về phía thân nhỏ.
7) Mẫu tầm tử: là cây có hai thân có dáng dấp giống nhau nhưng rời nhau, thân cành uốn sửa sao cũng được.

Thế cây một gốc một thân


1) Thế nhất trụ kình thiên: là cây cổ thụ ở thế trực, chỉ có một tàn lá ở tận cùng trên ngọn xòe ra như nâng đỡ bầu trời.
2) Thế trung lập: là thế bộ ba cây cùng loài, một cây ở giữa và hai cây hai bên đối xứng với nhau, cây ở giữa thường uốn theo thế trung lập và hai cây hai bên thường là thế suy phong mẫu tử hoặc phụ tử. Uốn theo thế trung lập thường có năm tàn hoặc bảy tàn, năm tàn theo lối ngũ phúc và bảy tàn theo lối thất hiền tiễn dương.
3) Thế tùng thập: là thế uốn cây tùng với dáng dấp và cành lá tự nhiên có hình như chữ thập, chữ vương hoặc chữ kim.
4) Thế mai nữ: là thế uốn sửa các cây mai trắng, mai vàng hoặc mai chiếu thủy theo hình chữ nữ.
5) Thế suy phong (gió đàn hoặc bạt gió): là cây có gốc và thân hơi nghiêng vì bị ảnh hưởng của chiều gió thổi.
6) Thác đổ (Huyền nhai): là cây bám vào vách đá cheo leo, thân thòng xuống bờ vực mà cành và ngọn cất lên trời.
7) Long thăng: là cây được uốn sửa như con rồng đang bay lên trời.
8) Long giáng: là cây được uốn sửa như con rồng đang hạ xuống đất.
9) Kiểng hóa thú: là cây được uốn sửa tạo hình thường theo các con vật tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng.
10) Thế tứ diện: là cây được uốn nắn các cành nhánh xoay quanh thân cây, từ gốc đến ngọn phải đối xứng và trật tự nhỏ dần.

Thế cây thông thường


1) Thế trực: là cây đứng thẳng có gốc to sần sùi lồi lõm, thân cây nhỏ dần đến ngọn còn một cành thân nhỏ như các cành khác.
2) Thế hoành: là thế một cây mọc trên vách núi đá tự nhiên, cây phải chìa ngang ra để phát triển.
3) Thế song thụ: là thế hai cây trồng ghép nhau song song, các cành đối xứng với nhau.
4) Thế giao long: là thế song thụ nhưng thân cây phải uốn khúc như thân rồng rắn.
5) Thế phụ tử: là thế một cây nhỏ đứng cạnh một cây lớn hơn nhiều, đường nét hai thân cây phải nhịp nhàng với nhau.
6) Thế huynh đệ đồng khoa: là thế một cây nhỏ đứng cạnh một cây lớn, đường nét hai thân cây phải nhịp nhàng với nhau.
7) Thế phượng vũ: là thế cây cảnh được uốn sửa như hình con chim phượng đang múa.

Tạo lập vườn cảnh


Vườn cảnh là thu gọn cảnh sơn thủy hữu tình vào trong một khu đất nhỏ, nên khi tạo lập một vườn cảnh trong khuôn viên sân vườn thường phải có hồ nước, lối đi và cây xanh thảm cỏ.
1) Hồ nước:
Trong khuôn viên sân vườn hồ nước thường được bố trí bên tay trái mặt tiền nhìn từ trong ra ngoài, tùy theo diện tích của khu vườn mà có thể xây dựng hồ nước hoặc ao, suối, khe nước chảy…
Đối với sân vườn của nhà ở, cơ quan, công sở… hồ nước thường có hòn non bộ, tượng, đài hoặc hệ thống phun nước để tạo tiếng nước chảy róc rách (sinh khí), được nuôi cá (thường là cá chép vàng) và trồng các loại cây thủy sinh.
Đối với sân vườn đền thờ, chùa, miếu… hồ nước thường tĩnh lặng bên trong chỉ nuôi cá và trồng sen, súng.
Nước hồ cá có thể sử dụng để tưới cây trong sân vườn rất tốt không cần phải bón phân cho cây trồng, thường buổi sáng bơm nước vào và buổi chiều dùng để tưới cây.
Máy bơm phun nước thường được bật vào ban ngày và tắt vào ban đêm, để duy trì máy sử dụng được lâu bền hơn.
2) Lối đi:
Trong khuôn viên sân vườn lối đi thường được tạo quanh co khúc khuỷu, vật liệu sử dụng có thể là nền bê tông, lát gạch, sỏi hoặc lối đi bằng đá trên thảm cỏ…
3) Cây xanh thảm cỏ:
Trong sân vườn cây xanh thảm cỏ phải được bố trí hài hòa hợp lý, phù hợp với đặc điểm sinh lý của từng loài cây trồng.
Sân vườn thường được bố trí đa dạng, phong phú các loài cây trồng như: thảm cỏ, bồn hoa, bồn kiểng, kiểng trổ hoa, kiểng tạo hình, kiểng chậu, cây bóng mát và dây leo.
Các góc cạnh trong sân vườn thường được che phủ bằng các cụm cây kiểng, cây cao trồng bên trong và cây thấp trồng bên ngoài.
Bên cạnh gốc cây và trên thảm cỏ có thể trang trí thêm tảng đá hoặc các vật thể như: con thú, đèn đá, tháp văn xương (tháp văn bút)… 

Kỹ thuật ghép chụp mũ


(Thường sử dụng để ghép xương rồng và sứ)
Gốc ghép: dùng dao sắc nhọn cắt ngang thân hoặc cành tạo ra mặt cắt bằng phẳng.
Cành ghép: sử dụng đoạn cành dài khoảng 2cm đối với sứ và phần ngọn đối với xương rồng, cả hai đều có đường kính nhỏ hơn thân hoặc cành gốc ghép, dùng dao sắc nhọn cắt ngang tạo ra mặt cắt bằng phẳng.
Úp phần ngọn xương rồng hoặc đoạn cành của sứ lên điểm giữa của thân hoặc cành gốc ghép.
Đối với xương rồng dùng dây thun buộc từ phần ngọn ghép xuống đáy chậu, sao cho phần ngọn ghép dính chặt với gốc ghép. Đối với sứ dùng băng keo trong nhỏ dán hai đường chéo từ gốc ghép qua đoạn cành ghép, và một vòng tròn quanh gốc ghép chồng lên hai đường băng keo chéo cho chắc chắn.
Chậu cây xương rồng hoặc sứ ghép xong được để nơi thông thoáng, râm mát và không có mưa.
Sau ghép khoảng 20 ngày vết ghép liền thì cắt bỏ dây thun hoặc băng keo dán.