Thế cây một gốc một thân


1) Thế nhất trụ kình thiên: là cây cổ thụ ở thế trực, chỉ có một tàn lá ở tận cùng trên ngọn xòe ra như nâng đỡ bầu trời.
2) Thế trung lập: là thế bộ ba cây cùng loài, một cây ở giữa và hai cây hai bên đối xứng với nhau, cây ở giữa thường uốn theo thế trung lập và hai cây hai bên thường là thế suy phong mẫu tử hoặc phụ tử. Uốn theo thế trung lập thường có năm tàn hoặc bảy tàn, năm tàn theo lối ngũ phúc và bảy tàn theo lối thất hiền tiễn dương.
3) Thế tùng thập: là thế uốn cây tùng với dáng dấp và cành lá tự nhiên có hình như chữ thập, chữ vương hoặc chữ kim.
4) Thế mai nữ: là thế uốn sửa các cây mai trắng, mai vàng hoặc mai chiếu thủy theo hình chữ nữ.
5) Thế suy phong (gió đàn hoặc bạt gió): là cây có gốc và thân hơi nghiêng vì bị ảnh hưởng của chiều gió thổi.
6) Thác đổ (Huyền nhai): là cây bám vào vách đá cheo leo, thân thòng xuống bờ vực mà cành và ngọn cất lên trời.
7) Long thăng: là cây được uốn sửa như con rồng đang bay lên trời.
8) Long giáng: là cây được uốn sửa như con rồng đang hạ xuống đất.
9) Kiểng hóa thú: là cây được uốn sửa tạo hình thường theo các con vật tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng.
10) Thế tứ diện: là cây được uốn nắn các cành nhánh xoay quanh thân cây, từ gốc đến ngọn phải đối xứng và trật tự nhỏ dần.