Cây Mai vàng (Huỳnh mai, Mai)


Tên khoa học: Ochna integerrima Merr.
Họ: Mai vàng – Ochnaceae
Cây có nguồn gốc từ châu Á nhiệt đới.
Cây thân gỗ vừa cao 3-7m, nhánh thưa dài mảnh, tán lá thưa thường xanh. Lá đơn mọc so le, phiến lá mềm màu xanh nhạt bóng, mép có răng cưa nhỏ. Cụm hoa chùm nhỏ ở nách lá, cuống hoa ngắn, 5 cánh đài màu xanh thẫm bóng, 5-20 cánh hoa màu vàng tươi, đĩa hoa dày có khía, nhị nhiều, bầu có 3-10 múi mỗi múi 1 noãn. Quả nhiều hạch nhỏ, không cuống xếp quanh đế hoa, mỗi quả chứa 1 hạt.
Cây có hoa đẹp nở vào dịp Tết Âm lịch, thường được trồng rộng rãi làm cảnh trong chậu lẩy hết lá cho hoa nở rộ vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, trang trí trong phòng khách.
Cây ưa sáng, dễ trồng không kén đất nhưng cần chăm sóc bón phân đầy đủ thì cây mới sinh trưởng phát triển tốt, nhân giống chủ yếu bằng chiết cành hoặc ghép cành.
* Kỹ thuật chăm sóc Mai vàng:
Chậu Mai vàng sau khi trang trí phòng khách vào các ngày Tết Nguyên đán được đưa ra ngoài sân vườn nơi có ánh sáng đầy đủ, lẩy bỏ hết hoa còn lại trên cây và tưới nước bình thường (mỗi ngày một lần vào buổi sáng hoặc chiều) cho cây ra lá non phục hồi trở lại.
Đến cuối tháng giêng âm lịch (năm bình thường) hoặc cuối tháng hai âm lịch (năm nhuận) cắt sâu vào đến giữa cành tạo tán cây tròn đẹp, đồng thời đối với chậu cây lớn dùng dao xắn xung quanh gốc cây cách thành chậu khoảng 10cm móc hết đất ra ngoài, giũ sạch rễ sử dụng lại đất cũ cho thêm tro trấu và xơ dừa trộn đều với khoảng 1,5kg phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh, phân rác…), cho đất đã trộn vào lại xung quanh thành chậu; đối với các chậu mai nhỏ và trung, nhấc cây ra ngoài khỏi chậu dùng dao cắt vào xung quanh và dưới bầu rễ khoảng 5cm, giũ sạch rễ sử dụng lại đất cũ cho thêm tro trấu và xơ dừa trộn đều 0,5-1kg phân hữu cơ, cho đất trộn vào lót đáy chậu rồi đặt cây vào lại chậu và cho đất trộn vào đầy xung quanh thành chậu. Cắt cành và bón lót xong tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều trong khoảng 10 ngày, sau đó hằng ngày tưới nước bình thường một lần vào buổi sáng hoặc chiều.
Hằng quý vào đầu tháng 4, 7, 10 âm lịch rải đều 10-30gram/chậu (tùy chậu lớn nhỏ) phân vô cơ (phân tổng hợp, DAP, NPK, vi sinh…) rồi tưới đẫm nước, đồng thời cắt sửa tạo tán cây tròn đẹp.
Vào khoảng tháng 10 và 11 âm lịch sẽ có một số cây nở hoa, không được lẩy bỏ hoa mà cứ để tự nhiên như vậy cây sẽ tự đứng lại không ra hoa nữa.
Vào ngày 15 tháng chạp (năm tháng chạp 29 ngày) hoặc ngày 16 tháng chạp (năm tháng chạp 30 ngày) đối với ở miền Nam, khoảng ngày 01 tháng chạp đối với ở miền Trung, lẩy hết lá mai và ngưng tưới nước 2 ngày (kể từ ngày lẩy lá mai). Từ ngày thứ 3 vào buổi sáng hằng ngày tưới nước lại bình thường vào gốc cây (không được tưới lên thân và cành cây).
Đối với cây bình thường đến ngày 23 tháng chạp nụ mai bung vỏ lụa ra, là cây sẽ ra hoa đúng vào mùng 1 Tết Nguyên đán.
Đối với cây đến ngày 23 tháng chạp nụ mai chưa bung vỏ lụa ra, là cây sẽ ra hoa muộn nên cần tưới nước thường xuyên lên cả thân và cành cây vào lúc trưa nắng, đồng thời lẩy hết chồi lá non mới vừa ra.
Đối với cây bung vỏ lụa ra sớm trước ngày 23 tháng chạp, là cây sẽ ra hoa sớm nên cần phải đem cây vào chỗ mát và buổi sáng sớm tưới nước vào gốc cây, đồng thời không lẩy các chồi lá non để cây ra lá nhiều nhằm hãm không cho hoa nở sớm, đến ngày 29 tháng chạp lẩy hết lá mai và các hoa đã nở sớm.